Kỳ thi THPT quốc gia sẽ giúp giảm học thêm, luyện thi và phao thi

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 lần đầu tiên được tổ chức với cả 2 mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH-CĐ. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị thi được ngành giáo dục, các địa phương, các trường ĐH-CĐ ráo riết hoàn tất. Lần đầu tiên tổ chức cuộc thi “2 trong 1”, chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh. Chính phủ đã chỉ đạo phải tạo mọi thuận lợi cho thí sinh dự thi và phải bảo đảm kỳ thi trung thực. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (ảnh) xung quanh kỳ thi này.

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ giúp giảm học thêm, luyện thi và phao thi 12

 

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT vừa công bố số liệu thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Theo đó, tổng số thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là 1.004.484 em. Trong đó, tổng số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là 279.001 em; tổng số thí sinh thi với 2 mục đích (vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH-CĐ là 592.934 em). Như vậy, số lượng thí sinh năm nay đã thực chất hơn hẳn so với những năm trước. Bộ trưởng có bình luận gì về con số này?

 

Bộ trưởng PHẠM VŨ LUẬN: Đừng bình luận con số này vội, vì nó chưa đủ cơ sở. Con số thí sinh các năm trước khác, đó là số lượt người thi, một thí sinh có thể đăng ký thi 3 trường đại học. Còn năm nay là số người thi. Vì thế dù con số bản thân nó đã có thông tin nhưng không nên vội vã đánh giá. Chúng ta hãy chờ đợi kết quả kỳ thi.

 

Tổng số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là 279.001 em. Liệu có hay không việc thí sinh chọn thi ở cụm thi tỉnh nhiều vì sợ thi ở cụm thi quốc gia coi thi chặt chẽ hơn có thể các em trượt tốt nghiệp?

Đó là tâm lý bình thường thôi. Trong cuộc sống, chúng ta đều lựa chọn con đường nào dễ dàng, thuận lợi hơn để đi đến cái đích cuối cùng. Đó là một phần cuộc đời của các em học sinh, chúng ta hãy tôn trọng, đừng làm mất đi sự hồi hộp đó của các em.

 

Lần đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích, đâu là khâu khó khăn nhất, thưa Bộ trưởng?

Khó khăn thì khâu nào cũng có. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh điều này: cuộc thi này không có gì mới, vẫn là việc thi cử mà chúng tôi đã từng làm hàng năm. Đây là cuộc thi mà hàng triệu thầy cô giáo, hàng triệu học sinh làm chứ không phải riêng Bộ GD-ĐT làm. Vì vậy, đổi mới cuộc thi phải được thực hiện từng bước một, không để giáo viên và học sinh sốc. Áp lực của ngành giáo dục là thực hiện đổi mới thi cử phải thận trọng, phải dựa trên thói quen của giáo viên, học sinh nhưng lại phải bảo đảm mục đích thay đổi căn bản. Vậy phải làm thế nào? Quan điểm của tôi là chỉ thay đổi thật ít, thay khớp thôi để tạo chuyển động nhịp nhàng. Kỳ thi năm nay mới ở cơ cấu chứ không mới ở chi tiết. Tức là giáo viên, học sinh vẫn thi như cũ. Xã hội chê kỳ thi tốt nghiệp, chỉ tin ở kỳ thi đại học, vậy thì chúng tôi giữ lại những gì tốt nhất của kỳ thi đại học, đó là thi theo cụm, giao cho các trường đại học chủ trì thi. Tức là sử dụng hết những gì mà xã hội tin tưởng nhất, những gì đã được trải nghiệm trong những năm qua. Nhưng cách làm phải thay đổi để tạo thay đổi căn bản. Đó chính là tinh thần của kỳ thi quốc gia THPT.

Khi Thủ tướng hỏi tôi về kỳ thi, tôi đã báo cáo: những rủi ro, khó khăn của những kỳ thi trước sẽ còn nguyên ở kỳ thi này và bất cứ kỳ thi nào cũng sẽ có những rủi ro, khó khăn đó. Riêng kỳ thi năm nay có thêm 2 khó khăn: tâm lý xã hội và sự phối hợp giữa phổ thông và đại học. Sự phối hợp này trước đây ở phạm vi nhỏ, trước chỉ có 4 cụm thi, nay cả nước có tới 38 cụm thi quốc gia, ngành giáo dục vì vậy sẽ phải vất vả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi đã lên hết các phương án, chủ động chuẩn bị cho sự phối hợp này.

 

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ giúp giảm học thêm, luyện thi và phao thi 43


quốc gia năm 2015. Ảnh: MAI HẢI

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây đã chất vấn lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục rằng liệu có câu chuyện địa phương tìm cách đãi ngộ thật tốt với cán bộ coi thi của các trường đại học về để châm chước cho mình trong trông coi thi và chấm thi hay không? Đây cũng là lo lắng của xã hội về vấn đề bảo đảm trung thực của kỳ thi năm nay?

Trung thực luôn là đòi hỏi số một của xã hội đối với mọi lĩnh vực, không riêng chuyện thi cử. Chúng ta luôn đấu tranh để loại bỏ sự gian dối. Nhưng trong thi cử, gian lận luôn là căn bệnh song hành. Từ thời các cụ đi thi cũng đã có căn bệnh này. Không chỉ là thi THPT mà ở bất cứ cuộc thi nào, đã thi là dễ có gian lận. Tuy nhiên, với kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tôi chắc chắn là sẽ giảm bớt việc mang tài liệu vào trong phòng thi. Trước đây thi xong là phao thi rải trắng sân trường, nhưng từ năm ngoái tình trạng này đã giảm rất nhiều. Vì sao? Vì đề thi đã thay đổi, không còn bắt học sinh phải học thuộc, phải chép số liệu, vì vậy phao thi đã không còn tác dụng nữa. Tôi khẳng định, đề thi và cách tổ chức thi 2015 sẽ giảm được 2 việc ngay lập tức: phao thi và học thêm, luyện thi. Mấy năm trước, thời điểm này chúng tôi còn phải phối hợp với công an để dẹp luyện thi, phô tô phao thi ngay trước cổng Bộ GD-ĐT. Nhưng thực tế hiện nay chúng ta đều thấy, 2 việc này đã giảm. 2 việc này bao nhiêu năm nay chưa làm được nhưng năm nay tôi tin là giảm được mà không cần một mệnh lệnh hành chính nào. Dần dần sự trung thực của kỳ thi sẽ được bảo đảm do chúng ta thay đổi cách thi. Đặc biệt, tương lai khi chúng ta chuyển sang bài thi phát triển năng lực thì sự gian lận thi cử sẽ bị triệt tiêu. Có thể, khi đó học sinh sẽ phải học thêm các kỹ năng khác để làm bài thi năng lực, điều đó lại rất cần khuyến khích vì giúp các em thêm kỹ năng mềm.

 

Kỳ thi năm sau thì sao thưa Bộ trưởng, liệu có tiếp tục đổi mới?

Sẽ còn phải điều chỉnh liên tục. Chúng tôi đang làm sâu sắc dần kỳ thi. Hướng là không đổi nhưng năm sau giáo viên, học sinh quen với việc thi, việc học rồi, chúng tôi sẽ chuyển sang những kỹ năng sâu hơn, lúc đó có thể đề thi sẽ theo hướng sâu hơn. Còn về cách thi, có thể nhiều trường đại học sẽ tự thi riêng, tức là kỳ thi sẽ có những “nhánh” khác, hoàn thiện hơn và có thể sẽ thay thế kỳ thi này. Điều đó là bình thường!

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

LÂM NGUYÊN (Báo Sài Gòn giải phóng thực hiện)

0
Các tin khác
Hướng dẫn làm thủ tục nhập học cho tân sinh viên HUTECH khóa 2022 Ngày 15/9, Hội đồng tuyển sinh HUTECH công bố điểm chuẩn cho tất cả các ngành đào tạo trình độ Đại học chính quy theo 04 phương thức xét tuyển....
HUTECH sẵn sàng “check-in” tại Ngày hội Tư vấn xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2022 vào ngày 24/7 tới Chủ nhật (24/7) tới đây, HUTECH sẽ đồng hành cùng quý phụ huynh, các bạn học sinh trong Ngày hội Tư vấn xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2022 tại...
NULAB TOUR trở lại với chuyên đề 5 - Tiếp bước Florence Nightingale, theo đuổi ngành Điều dưỡng Chuỗi talkshow NULAB TOUR “Góc nhìn từ chuyên gia: Lĩnh vực khoa học, sức khỏe sau đại dịch - cơ hội hay thách thức?” vừa trở lại với chuyên đề 5:...
Học sinh Trường THPT Lạc Long Quân (Bến Tre) hào hứng tham quan HUTECH Vừa qua, đoàn học sinh Trường THPT Lạc Long Quân (Bến Tre) đã có chuyến tham quan, tìm hiểu hệ thống đào tạo và môi trường học tập tại HUTECH.
HUTECH tham gia Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp 2022 và mang đến nhiều thông tin giá trị Sáng nay (17/4), HUTECH đã góp mặt tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp 2022, mang theo sự năng động, trẻ trung cùng tinh thần của “Đại...
Series 15’ hiểu ngành số 08: Truyền thông đa phương tiện - "Dám thử, dám làm" để tự tin vững bước Số thứ 8 của series “15’ hiểu ngành” do HUTECH thực hiện sẽ lên sóng vào ngày 10/3 tới đây với các chia sẻ xoay quanh ngành Truyền thông đa phương...
widget avatar
Đại học HUTECH

HUTECH chào bạn!
Mời bạn gửi thắc mắc của mình tại đây để được giải đáp nhanh chóng nhé!

×